Kinh nghiệm kinh doanh cửa hàng tạp hóa “1 vốn – 4 lời”

Kinh doanh tạp hóa là hướng đầu tư được rất nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, không ít chủ tiệm đang gặp phải khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp theo mô hình này. Làm thế nào để thu hút khách hàng và nhanh hồi vốn, sinh lợi nhuận cao? Chúng tôi sẽ chia sẻ 1 số kinh nghiệm kinh doanh tạp hóa được đúc rút từ thực tế để bạn giải quyết hiệu quả những vấn đề này.

1. Kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa siêu lợi nhuận

1.1. Xác định đối tượng khách hàng

Tìm hiểu quanh khu vực muốn mở tạp hóa mật độ dân cư có đông không, nhóm dân cư nào là chủ yếu (nông dân, công nhân, dân văn phòng, học sinh, sinh viên,…). Tùy từng nhóm đối tượng sẽ có những đặc điểm riêng như: mức thu nhập, nhu cầu, sở thích,… Khi đã nắm được tiêu chí này, việc lựa chọn mặt hàng chính để kinh doanh sẽ rất đơn giản.

Ví dụ:

  • Nhóm khách hàng là công nhân, học sinh, sinh viên (thu nhập không  cao): Bạn nên nhập những mặt hàng thông dụng, thiết yếu, có giá thành rẻ.
  • Nhóm khách hàng là công nhân viên chức, khu đô thị: Nên nhập những mặt hàng chất lượng, mẫu mã đẹp mắt,…

1.2. Đặt tên tiệm tạp hóa phải đơn giản

Việc đặt tên cửa hàng tạp hóa rất quan trọng vì đây là cách tiếp cận cũng như tăng độ nhận diện thương hiệu một cách dễ dàng. Chủ tiệm nên chọn một cái tên ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ. Có thể lấy tên của bản thân hay đặc trưng của quán. Ví dụ: Dốc ga, Cây bàng, tạp hóa Sơn Hà, tạp hóa Nguyên Anh,…

1.3. Vị trí cửa hàng thuận tiện

Để mở cửa hàng tạp hóa, bạn có thể kinh doanh tại nhà (nếu nhà mặt ngõ, mặt đường) hoặc thuê mặt bằng. Tùy vào quy mô cửa hàng mà thuê diện tích lớn hay nhỏ. Cửa hàng tạp hóa quy mô vừa hoặc siêu thị mini thì mặt bằng cần tối thiểu là khoảng 30m2.

Bạn nên tìm thuê ở trục đường chính, lưu lượng qua lại đông hoặc ngõ đông dân cư, gần trường học,… giao thông đi lại thuận tiện. Bạn cần đánh giá khả năng chi trả của bản thân, tình trạng mặt bằng, khảo sát giá để thỏa thuận giá thuê trước khi ký hợp đồng. Thông thường, hợp đồng thuê mặt bằng bán tạp hóa kéo dài ít nhất là 5 năm.

1.4. Mặt hàng đa dạng

Đã xác định bán hàng tạp hóa là phải kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Tùy vào số vốn ban đầu cũng như nhóm khách hàng mục tiêu để quyết định nguồn nhập hàng phù hợp. Nên khảo sát những tiệm tạp hóa trên thị trường xem họ đang bán những sản phẩm nào. Từ đó lên danh sách các hàng hóa mà bạn cần nhập.

Nếu cửa hàng tạp hóa nhỏ, nguồn vốn hạn chế thì nên bán các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm khô, gia vị, hóa mỹ phẩm,… Với cửa hàng tạp hóa lớn hơn, khả năng xoay vòng vốn tốt hãy nhập các dòng sản phẩm chất lượng như: sữa bột, bánh kẹo cao cấp, rượu vang, mỹ phẩm,…

Lưu ý: Do mới mở tiệm nên khách chưa đông, bạn có thể nhập số lượng ít nhưng phải đa dạng nhóm sản phẩm. Khi lượng khách ổn định thì bạn mới cần nhập nhiều hàng hóa về bán.

1.5. Tìm nguồn hàng uy tín

Bạn cần phải xác định số vốn (cả dự trù), khả năng xoay vòng vốn để lựa chọn nơi nhập hàng uy tín, phù hợp với tầm giá. Phần lớn các cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam thường nhập hàng tại các nguồn sau đây:

  • Lấy hàng từ chợ đầu mối: Nguồn hàng ở đây giá thành khá rẻ, đa dạng nhưng cũng dễ bị trà trộn hàng giả hoặc kém chất lượng nên cần sáng suốt và tỉnh táo khi lựa chọn.
  • Lấy hàng qua ứng dụng: Đặc điểm của nguồn hàng này là mặt hàng đa dạng, số lượng nhiều, cung cấp đủ nhu cầu mỗi ngày, giá cạnh tranh, nhiều ưu đãi hấp dẫn.
  • Làm đại lý phân phối cho các nhãn hàng lớn: Theo như kinh nghiệm mở tạp hóa từ những người trước chia sẻ thì khi mới kinh doanh nên lấy hàng từ nguồn này. Các nhãn hàng sẽ giao hàng tới tận nơi mà còn được hỗ trợ, chiết khấu cao.
  • Nhập hàng từ nước ngoài: Nhiều tiệm tạp hóa cũng nhập hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… về để bán. Các bạn có thể trực tiếp đi lấy hàng, đặt xách tay hoặc đặt qua các trạng mạng trực tuyến, mua qua trung gian,… đều được

1.6. Dự toán ngân sách mở tiệm tạp hóa

Bạn cần lên dự toán ngân sách cho các hạng mục sau:

  • Chi phí nhập hàng hóa
  • Chi phí thuê mặt bằng
  • Chi phí thuê nhân viên
  • Chi phí thiết kế cửa hàng, biển hiệu
  • Chi phí mua sắm trang thiết bị, vật tư và các phần mềm thanh toán, máy in hóa đơn, camera,…

Tùy theo quy mô và diện tích kinh doanh mà chi phí khác nhau. Thông thường với 1 cửa hàng tạp hóa nhỏ, số vốn bỏ ra ban đầu khoảng 80 – 100 triệu. Với các cửa hàng có quy mô lớn hơn, nhiều mặt hàng hơn cần trên 200 triệu đồng.

1.7. Đầu tư trang thiết bị

Đặc thù của bán tạp hóa là có rất nhiều sản phẩm khác nhau từ lớn đến nhỏ nên bạn cần có các kệ đỡ, giá treo để phân loại, tiết kiệm diện tích. Với quy mô lớn thì hệ thống chiếu sáng, hút ẩm cũng rất quan trọng để bảo quản sản phẩm cũng như đảm bảo không gian sạch sẽ, thoáng mát. Như vậy, khi khách tới mua sắm sẽ có trải nghiệm thoải mái hơn.

Ngoài ra, nên trang bị hệ thống an ninh chuyên nghiệp như camera giám sát,…để tránh hiện tượng mất cắp hay thất thoát hàng hóa, tiền nong. Kể cả mở cửa hàng tạp hóa ở quê bạn cũng nên đặc biệt chú ý vấn đề này.

Bên cạnh đó, hãy lắp đặt phần mềm quản lý cửa hàng tạp hóa và các thiết bị như: PC/laptop, máy in mã vạch, máy quét mã vạch, máy in hóa đơn để hỗ trợ việc thanh toán. Đây đều là các thiết bị quan trọng, giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng khả năng quản lý của mình

2. Cách kinh doanh cửa hàng tạp hóa hiệu quả

2.1. Quản lý cửa hàng tạp hóa thông minh

Kinh doanh tạp hóa yêu cầu bạn phải có một trí nhớ tốt để nhớ giá, quản lý cửa hàng, đáp ứng đúng các yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, do số lượng mặt hàng đa dạng, hàng hóa nhập xuất liên tục trong ngày nên khó lòng mà nhớ hết được. Tốt nhất, bạn nên trang bị 1 phần mềm quản lý cửa hàng thông minh như ứng dụng để dễ dàng kiểm soát hơn.

2.2. Trưng bày hàng hóa một cách khoa học

Việc trưng bày trong tiệm cũng phải khoa học để việc tìm và lấy hàng được nhanh chóng, thuận tiện. Bạn nên phân loại sản phẩm theo danh mục kèm chú thích giá bán.

Nếu có mặt hàng nào đang có khuyến mại, hoặc bán chạy, đồ ăn nhanh (bim bim, bánh ngọt, đồ uống,…) phải trưng bày ở nơi khách dễ nhìn thấy nhiều nhất hoặc đặt ngay cạnh quầy thu ngân. Những sản phẩm kích thước lớn như nước lau sàn, rửa chén, bột giặt, nước xả vải,… chiếm nhiều diện tích thì nên đặt ở kệ dưới

2.3. Xây dựng các chương trình khuyến mãi, marketing

Chiến lược marketing hiệu quả cho tiệm tạp hóa chính là in tờ rơi, triển khai chương trình giảm giá, tặng voucher cho lần mua hàng tiếp theo,… Chủ tiệm có thể tham khảo các chương trình tích điểm đổi quà, nâng hạng thành viên, ưu đãi giá bán cho khách quen,…

2.4. Sử dụng dịch vụ giao hàng cho cửa tiệm

Việc mua hàng qua mạng và giao hàng tận nơi ngày càng phổ biến. Vậy tại sao bạn không mở rộng kinh doanh tạp hóa theo hình thức giao hàng tại nhà. Không chỉ mở rộng thêm tệp khách hàng mà còn giúp hình ảnh tiệm tạp hóa được quảng bá rộng rãi.

Theo kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa, chủ tiệm chỉ cần sử dụng phần mềm bán hàng tích hợp vận chuyển là đã có thể đẩy đơn giao vận ngay lập tức sau khi nhận đặt hàng.

2.5. Cảnh giác trong việc quản lý và kinh doanh

Những ai có ý định bán hàng tạp hóa cần hết sức cẩn thận với các chiêu trò lừa đảo của kẻ gian. Có rất nhiều đối tượng giả danh tìm tới các cửa hàng tạp hóa để chào mời các mặt hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Bạn nên yêu cầu họ để lại sản phẩm mẫu, danh thiếp. Sau khi kiểm chứng thông tin mới liên hệ để nhập hàng.

Một rủi ro khác khi kinh doanh tạp hóa đó là việc nhầm lẫn, thất thoát tiền bạc, hàng hóa. Chủ tiệm nên thường xuyên kiểm kho và có hẳn 1 quầy thu ngân riêng cho chuyên nghiệp. Tốt nhất, bạn nên trang bị một phần mềm quản lý bán hàng để tránh tình trạng này